TIỀN
Bạn cần học cách kiếm tiền và cách sử dụng đồng tiền. Không ai tìm ra lý lẽ vững chắc để biện hộ cho sự đói nghèo
1. Bạn cần học cách kiếm tiền và cách sử dụng đồng tiền. Không ai tìm ra lý lẽ vững chắc để biện hộ cho sự đói nghèo. Đói nghèo là một tai họa giống như bệnh tật. Tiền bạc có thể giúp bạn được sống ở nơi mà bạn thích và theo lối mà bạn hưởng thụ. Nó giúp bạn thỏa mãn những khát vọng. Nó tạo cho bạn một đời sống độc lập, giúp tránh khỏi sự kiểm soát của người khác. Nhờ nó bạn có thể du lịch, khám phá thế giới.
2. Lẽ đương nhiên, bạn thích sự an toàn và bạn cũng có lòng tự ái. Để bảo vệ hai thứ ấy, bạn cần có tài sản. Sự đói nghèo không mang lại một lợi ích nào cả. Muốn thăng tiến, bạn cần học nghệ thuật kiếm tiền. Trước khi bạn kiếm đủ tiền để không sợ đói nghèo thì đối với bạn, đồng tiền là quan trọng hơn cả. Tiền bạn tạo cho bạn những cơ hội tốt để phát triển khả năng, giúp bạn chọn hoàn cảnh sinh sống. Lẽ thường trong cuộc chiến đấu đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải đương đầu là cuộc chiến với đói nghèo. Phải chiến thắng ở trận đầu tiên ấy, bạn mới nghĩ đến những cuộc đấu tranh tiếp theo.
3. Giá trị của đồng tiền ở chỗ nó nâng cao mức sống của bạn, nó giải thoát bạn khỏi đói nghèo, nó giúp bạn tự do thực hiện những dự định. Khi chưa có tiền, bạn phải xem đồng tiền là vật quan trọng hơn cả. Tham vọng làm giàu là chính đáng. Nó không phải là ích kỷ, cũng không có gì là phản xã hội. Càng giàu, người ta càng có thể làm việc nghĩa. Tiền của làm cho người ta thêm chín chắn, hơn là làm cho con người hư đốn. Chính bởi thiếu tiền nên người ta trở nên đê tiện. Một đất nước có nhiều dân giàu thì không bao giờ sụp đổ.
4. Khi biết rèn mình sống một cách dành dụm là bạn đã bắt đầu nhúng ta vào công việc tài chính. Nếu bạn làm ra một đồng mà tiêu cả một đồng thì khó mà vượt qua tình trạng đói nghèo. Bạn cần tiết kiệm đồng tiền cho đến khi có trong ngân hàng một số tiền bằng ba lần số tiền bạn kiếm được mỗi tháng. Món tiền vốn ấy có tác dụng như cái “vô lăng” điều hòa bộ máy. Nó giúp bạn khỏi phải nhận những chỗ làm xoàng xĩnh, nó tăng cường lòng tự ái và cuộc sống độc lập của bạn.
5. Với số vốn nhỏ, bạn có thể gây dựng một cơ sở kinh doanh nhỏ hoàn toàn thuộc về bạn, nhưng trước đó bạn cần tạo ra số vốn nhỏ ấy và thu nhập những kiến thức cần thiết về công việc định thực hiện. Bạn có thể mở một văn phòng hoặc mua một số ít hàng hóa nào đó để tiêu thụ. Bạn có thể kinh doanh được nếu số tiền bán hàng mỗi tuần tương xứng với số vốn nhỏ mà bạn bỏ ra để khai thác. Bạn có thể mở một xưởng máy chế tạo kẹo ngọt hoặc lĩnh bia bỏ mối một vài cửa hàng nhỏ. Sự thành công tùy thuộc vào tài bán hàng và đức tiết kiệm của bạn.
6. Phương thức tốt nhất để gây dựng một số vốn là bắt đầu dành dụm tất cả những món tiền bạn kiếm ra và sau đó tìm cách làm cho món lợi tức giàu thật khá. Khi biết cách làm cho số vốn sinh lợi ròng ít ra 12%, bạn có thể vay mượn thêm. Mới bắt đầu kinh doanh, bạn đã vay mượn quá nhiều từ người thân thì không hay. Bạn nên bắt đầu kinh doanh với số vốn riêng của bạn và chú tâm làm cho nó sinh lãi.
7. Để gia tăng lợi tức, bạn cần nghiên cứu về sức sinh lợi của số vốn. Tiền gửi ngân hàng sinh lợi rất ít. Nếu không nhằm mục tiêu gửi tiền một cách chắc chắn, tốt hơn bạn nên làm cho món tiền ấy luân chuyển. Mua những hàng hóa có thể tiêu thụ nhanh. Số vốn ấy phải sinh lợi nhiều lần trong một năm, không phải chỉ một lần. Bạn có thể gia tăng số vốn gấp đôi mà không cần vay mượn một đồng nào, nếu con bán hàng của bạn luân chuyển nhanh gấp đôi. Nên phòng ngừa việc mua hàng thừa thãi nếu không số vốn mà bạn bỏ ra sẽ bị mục thối trong mớ hàng tồn kho vô bổ. Tinh hoa của doanh nghiệp là trao đổi, lấy tiền đổi hàng lấy hàng để đổi tiền trở lại, dùng tiền và trao đổi như vậy càng nhanh càng tốt. Càng ít vốn, bạn càng phải giữ cho vốn ấy được hoạt động.
8. Trong lúc lên voi cũng như xuống chó, bạn luôn luôn giữ tâm hồn thư thái, không nên hoang mang vì hàng hóa lên giá hay sụt giá. Muốn kiếm tiền và giữ được đồng tiền bạn cần tỏ ra cương nghị, chớ chạy theo quần chúng. Khi giá lên thì mọi người cố chạy vượt lên đỉnh chóp mà khi giá sụt thì họ đổ dốc tán loạn. Bạn chớ vội tin rằng ngồi trên đỉnh chóp của thế giới hoặc thế giới tựa mình trên người bạn. Lúc mua cũng như lúc bán, bạn phải đứng ra để ngắm nhìn sự vật.
9. Khi định mua chứng khoán, bạn chỉ nên mua những chứng khoán bạn biết rõ. Nên mua những cổ phiếu của công ty bạn đang làm, nếu bạn thấy công ty ấy có tiềm năng hoặc một công việc kinh doanh nào khác mà bạn biết rõ hoặc giả của một doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Nếu là nhà buôn lẻ, bạn nên mua cổ phiếu nhà cung cấp nào tỏ ra đắc lực nhất. Phải biết mua sắm một cách thông minh. Không nên nghe lời khuyên của những kẻ “gánh bàn độc mướn”. Những “tuy dô” nói tốt về món hàng thường do những tay bán hàng tung ra, chớ vội tin tưởng.
10. Nếu định tích lũy, bạn nên mua khi thời giá sụt và bán ra lúc thời giá lên. Nói thì dễ, thực hiện điều đó lại rất khó. Đó là một quy tắc để kiếm tiền đầy khôn ngoan, song phần nhiều người làm ngược lại với quy tắc này. Trong địa hạt đầu cơ, đa phần mọi người luôn luôn bị thiệt. Có nhiều người lo bán ra khi họ bi quan (thấy sụt giá) và mua vào khi họ lạc quan (thấy giá lên). Thật ra, không bao giờ giá lên mãi hoặc sụt mãi. Trồi sụt đều có chu kỳ nhất định. Bạn phải cố gắng mua vào với giá thấp và bán ra với giá cao.
Trích: Để làm nên sự nghiệp